Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Đến đồi Vọng Cảnh ôm trọn xứ Huế vào trong tầm mắt

Với không gian thanh bình, lãng mạn và êm đềm, đồi Vọng Cảnh của xứ Huế là một trong những địa điểm làm say đắm lòng bao du khách. Ngay sau đây, hãy cùng Halo Travel khám phá ngọn đồi xinh đẹp này nhé!

1. Đồi Vọng Cảnh ở đâu?

Ngọn đồi này tọa lạc cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km. Tương truyền, đây đã từng là nơi được các vua nhà Nguyễn chọn làm địa điểm dừng chân, nghỉ ngơi và vãn cảnh. Đây là một địa danh đẹp, làm say lòng bao du khách khi đến với Huế thương. Quanh đồi là rất nhiều những lăng tẩm của các vị vua thời Nguyễn như lăng Đồng Khánh, lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị, lăng Xương Thọ, lăng bà Thánh Cung…

checkin rung thong doi vong canh

Ảnh: @ennhi.nef

Đến với nơi này, du khách có thể chiêm ngưỡng không gian hữu tình, thơ mộng cùng rừng thông xanh mát và những mái ngói nhấp nhô trong những ngôi làng Hương Hồ hay Hải Cát. Đường đi lên đồi Vọng Cảnh là lối nhỏ đi xuyên qua đồi thông rợp bóng mát, đẹp vô cùng.

2. Cách di chuyển đến đồi Vọng Cảnh

Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km, rất dễ cho bạn để có thể di chuyển đến nơi này. Nếu bạn di chuyển đến đồi Vọng Cảnh bằng xe máy, bạn có thể tham khảo cách di chuyển sau đây:

Từ trung tâm thành phố Huế, bạn di chuyển men theo con đường Hoài Thanh để đi tới đường Lê Ngô Cát. Sau đó rẽ phải vào đường Huyền Trân Công Chúa và chạy thẳng theo đoạn đường này. Đi khoảng 4km nữa bạn sẽ tới được đồi Vọng Cảnh.

Đến đây, du khách có thể gửi xe ở bên dưới để đi bộ lên. Đường lên đồi Vọng Cảnh được phủ mát bởi một rừng thông hữu tình, lãng mạn. Vì thế, bạn vừa có thể đi lên đồi, vừa có thể ngắm cảnh dọc đường và checkin nơi rừng thông nữa đấy.

loi len doi vong canh

Ảnh: @tung_linh95

3. Khám phá vẻ đẹp độc đáo của đồi Vọng Cảnh

Con đường đi lên đồi Vọng Cảnh là những lối đi xen lẫn với rừng thông đều tăm tắp. Du khách vừa có thể vừa đi bộ lên đỉnh đồi, vừa ngắm cảnh, checkin trên background đồi thông ‘xịn xò’.

song huong

Ảnh: @bmh____

Từ đồi Vòng Cảnh nhìn ra xa, bạn có thể chiêm ngưỡng được một khoảng không gian thật sự yên tĩnh, hữu tình với những vườn cây ăn quả xanh mướt xen lẫn trong những lùm thông xanh rì. Nào các loại cây như cau, cam, nhãn, quýt, thanh trà,…. Rồi xen lẫn đó còn thấy thấp thoáng những mái đền cổ kính, xám màu rêu phong, hay những lăng tẩm được thiết kế cầu kỳ của vua chúa thời Nguyễn. Đặc biệt hơn, đứng từ trên đồi Vọng Cảnh nhìn xuống là dòng sông Hương êm đềm, tĩnh lặng ôm sát chân đồi. Tất cả tạo nên một cảnh tượng thiên nhiên yên bình mà nên thơ.

cam trai tai doi vong canh

Ảnh: @letrang.artspace

Đồi Vọng Cảnh là một trong những địa danh thắng cảnh nổi tiếng ở xứ Huế. Chính những vẻ đẹp đặc biệt này đã biến nơi đây trở thành địa điểm ‘”sống ảo'” được giới trẻ cực kỳ yêu thích.

4. Những hoạt động thú vị tại đồi Vọng Cảnh

‘Sống ảo’ thả ga tại đồi Vọng Cảnh

Như đã nói ở trên, đồi Vọng Cảnh mang một vẻ đẹp thơ mộng, yên bình, và cũng là nơi ngắm cảnh khiến người ta ‘si mê’. Vì vậy, đến đây, đừng chỉ ngắm cảnh, hãy lưu lại những bức ảnh kỉ niệm đậm chất vintage nữa nhé!

Có rất nhiều góc chụp đẹp cực mê mà bạn không thể bỏ lỡ khi đến với nơi này. Có thể là background đồi thông siêu lãng mạn hay nền sông Hương mơ màng. Ánh nắng cuối chiều cũng có thể trở thành chất xúc tác hoàn hảo cho một tuyệt phẩm ‘‘sống ảo’’ đấy.

hoang hon tren song huong

Ảnh: @minhi_journey

Ngắm hoàng hôn trên đồi Vọng Cảnh

Thời điểm đẹp nhất trên ngọn đồi này được cho là lúc hoàng hôn. Khi hoàng hôn buông xuống là lúc ánh nắng mặt trời đỏ rực nhuộm đỏ cả một khoảng không gian sông núi bao la. Tất thảy mọi vật đều được nhuốm ánh đỏ đượm buồn. Vạn vật nơi đồi Vọng Cảnh trở nên bình yên đến lạ.

hoanh hon doi vong canh

Ảnh: @datsnapper

Cắm trại trên đồi

Còn gì tuyệt hơn khi cũng lũ bạn tổ chức dã ngoại hay cắm trại ngay tại đỉnh Vọng Cảnh nhỉ. Đồi Vọng Cảnh với khung cảnh thiên nhiên tươi xanh là một địa điểm cắm trại và dã ngoại vô cùng lý tưởng. Chuẩn bị trước một chút thức ăn sẵn và đồ uống, sau đó đến đồi vọng cảnh dựng một chiếc lều nho nhỏ, cùng hội bạn thân trải nghiệm thiên nhiên núi rừng. Chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ đấy.

doi vong canh

Ảnh: @dangwchi

5. Những địa điểm tham quan khác gần đồi Vọng Cảnh

Gần đồi Vọng Cảnh, cũng có rất nhiều những cảnh đẹp nổi tiếng của xứ Huế nên thơ mà bạn nhất định phải khám phá. Ngay gần đồi, có rất nhiều những lăng tẩm của vua chúa thời Nguyễn với kiến trúc vô cùng độc đáo.

Lăng Tự Đức

Đầu tiên phải kể đến lăng tẩm của vua Tự Đức. Lăng vua Tự Đức cách đồi Vọng Cảnh chỉ khoảng 1km. Đây có lẽ là lăng đẹp nhất trong những lăng tẩm của các đời vua nhà Nguyễn bởi nơi đây mang theo nét hòa hợp giữa khung cảnh thiên nhiên bao la và không gian kiến trúc độc đáo.

checkin lang tu duc

Ảnh: @stephenlam2109

Lăng Minh Mạng

Đây là lăng tẩm mang đậm nét truyền thống, cổ kính và chưa đầy màu sắc Nho giáo. Lăng Minh Mạng tọa lạc trên ngọn núi Cẩm Khê, là vị trí đắc địa được nhà vua tìm kiếm 14 năm trời. Lăng Minh Mạng là một công trình kiến trúc uy nghi và chuẩn mực nhất trong những kiến trúc của thời nhà Nguyễn. Lăng được bao bọc bởi cây xanh, bởi cái yên ả tĩnh lặng của sông hồ, bởi sự vững chãi của núi non. Tất cả tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt sắc khiến người ta phải ngả mũ thán phục.

lang minh mang

Ảnh: @ccuongkhii

Lăng Khải Định

Tuy có kích thước khiêm tốn hơn so với lăng của các vua tiền nhiệm, song lăng vua Khải Định cũng được xây dựng một cách công phu và vô cùng tỉ mỉ.

lang khai dinh

Ảnh: @anhphan.didi

Đây là công trình kiến trúc được giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Điển hình là những bức phù điêu tinh xảo được ghép tỉ mỉ bằng sành sứ và thủy tinh, những khay trà, vương miện,… xen lẫn vào đó là những vật dụng rất hiện đại như đèn dầu hay vợt tennis…

ben trong lang khai dinh

Ảnh: @kihitravel

Đến với Huế thương, bạn nhất định phải đến đồi Vọng Cảnh Huế một lần. Bởi nơi đây chứa đựng những cảnh sắc tuyệt đẹp làm say lòng bao du khách. Đây cũng chính là địa điểm checkin không thể tuyệt vời hơn cho những thánh mê ‘sống ảo’ đấy!

Khám phá thêm những địa điểm thú vị tại Huế:

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Khám phá sông Hương: Biểu tượng mang vẻ đẹp dịu dàng của xứ Huế

Sông Hương với vẻ đẹp thơ mộng và trữ tình của mình từ xưa đến này đã xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật tiếng. Con sông chính là niềm tự hào và hãnh diện của người dân Cố Đô. Vẻ đẹp của nó thực sự đã khiến cho biết bao tâm hồn người lữ khách phải xao xuyến và bồi hồi mỗi khi nhớ đến. Hôm nay, bạn hãy cùng Halo Travel xuôi dòng sông Hương, tìm hiểu và khám phá một chút về những điều thú vị xung quanh con sông nổi tiếng này nhé!

1. Đôi nét về sông Hương xứ Huế

Cùng với Núi Ngự, sông Hương không biết tự lúc nào đã trở thành linh hồn, biểu tượng của xứ Huế mộng mơ. Con sông này chảy qua địa phận của thành phố Huế cùng rất nhiều huyện, thị xã khác nhau của tỉnh Thừa Thiên. Trong đó, có thể kể đến như Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang,… Nằm ngay trên trục đường Trần Hưng Đạo và Lê Lợi sầm uất, sông Hương xuôi dòng giữa thành phố Huế. Do đó, bạn sẽ rất dễ dàng để đến được con sông này.

song huong 3

Ảnh: @yunatyty

Vậy, sông Hương bắt đầu từ đâu? Con sông nổi tiếng này được bắt nguồn từ 2 con sông lớn, đó là sông Tả Trạch và Hữu Trạch. Sông Tả Trạch bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông hùng vĩ, men qua Bạch Mã, qua thị trấn Nam Đông hợp với dòng Hữu Trạch tạo thành con sông mang trên mình biểu tượng xứ Huế này.

Con sông như một dải lụa trải dài miên man, uốn lượn qua biết bao cảnh đẹp của Huế. Từ lâu, con sông này đã đi vào thi ca, những bản nhạc bất hủ, in dấu trong lòng du khách.

2. Ý nghĩa của tên gọi sông Hương là gì?

Trước kia con sông này có rất nhiều tên gọi khác nhau, từ sông Linh Giang, đến Lô Dung, Hương Trà, Thiên Trà đại Dương và sông Yên Lục,… 

Vậy cái tên sông Hương có từ đâu? Có người cho rằng, do dòng sông lớn này uốn lượn, chảy qua rất nhiều khu rừng nhiệt đới với muôn vàn cây cỏ, hoa lá và thảo mộc khác nhau. Nó đã tạo nên một hương thơm ngát rất khó để diễn tả thành lời. Do đó, con sông này mới có cái tên là “Hương” cũng có nghĩa là hương thơm mị hoặc, thơm ngát.

song huong 2

Ảnh: @letrang248

Cũng có truyền thuyết khác kể lại rằng, tên gọi của con sông này có nguồn gốc từ việc chúa Nguyễn Hoàng đã nghe theo lời của một bà tiên bảo rằng chỉ cần người thắp hương, chèo thuyền trên dòng sông này, khi cây hương cháy hết, người sẽ thấy cả một vùng đất tươi tốt, trù phú. Cái tên “Hương” bắt nguồn từ đó. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, sông Hương xứ Huế vẫn là một con sông đẹp, là linh hồn, hơi thở của dải đất Thừa Thiên này.

3. Thời điểm lý tưởng để đến Sông Hương Huế

Theo kinh nghiệm của người dân xứ Huế nói riêng cùng nhiều du khách trong và ngoài nước nói chung, bạn có thể đến sông hương vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, để tham quan và trải nghiệm hết những thú vui hiếm có ở con sông huyền thoại này, bạn nên đi vào thời điểm đầu mùa thu hoặc mùa xuân.

song huong 1

Ảnh: @gnarthtoh.12

Lúc này, thời tiết ở Huế vô cùng dễ chịu, cây cối tươi tốt, đâm chồi nảy lộc và dòng nước sông xanh biếc đẹp mắt. Đặc biệt, nếu đến Huế vào những năm chẵn, bên bờ sông sẽ có rất nhiều lễ hội diễn ra từ Festival đến các lễ hội các làng nghề truyền thống. Đó sẽ là những trải nghiệm rất tuyệt vời đáng để bạn thử đấy.

4. Một số trải nghiệm vô cùng thú vị khi đến Sông Hương

song huong 4

Ảnh: @hyenn__n

Đến với sông Hương, ngoài việc xuôi dòng sông, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thú vị của nó, bạn còn có thể tham gia, trải nghiệm rất nhiều hoạt động hấp dẫn khác. Cụ thể như:

Xuôi dòng sông Hương dịu dàng và thơ mộng

Ban ngày, con sông huyền thoại mang nét đẹp bình yên, thơ mộng với màu nước xanh như ngọc bích, trong vắt, êm đềm uốn lượn qua xứ Huế. Hai bên bờ sông là rất nhiều nhà cửa, vườn tược, cây cối, nhiều công trình kiến trúc đồ sộ và đẹp mắt. Tất cả đều soi bóng xuống mặt nước, mềm mại và dịu dàng như những bức tranh sơn thủy ngỡ như chỉ có trong tưởng tượng.

song huong 5

Ảnh: @dangwchi

Khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, con sông khoác lên mình chiếc áo màu cam ấm áp. Cảnh vật bên sông như lắng đọng, mơ màng tạo nên sự yên tĩnh, đẹp đến lạ lùng. Cho đến đêm, mặt nước trên sông lại phản chiếu cả một bầu trời rộng lớn với ánh trăng tròn vạnh. Tất tả xuôi ngược cùng những điệu hò, câu ví ngân vang.

Đi dạo trên cầu Tràng Tiền

Cầu Tràng Tiền vắt ngang qua sông Hương xứ Huế. Với vẻ đẹp dịu dàng và đằm thắm, cây cầu này luôn tạo được những dấu ấn khó phai trong lòng người dân xứ huế và cả du khách gần xa. 

Cây cầu bằng sắt này nhuốm màu cổ kính, soi bóng trên dòng sông tĩnh lặng. Hai bên chân cầu là những nhánh phượng đỏ rực một góc trời. Chỉ cần dành một chút thời gian, đi dạo qua cầu Tràng Tiền hóng gió, ngắm nhìn dòng người qua lại và check in một vài bức hình kỷ niệm. Đó ắt hẳn sẽ là những kỷ niệm nhẹ nhàng, ấm áp mà xứ Huế mang đến bạn trong chuyến đi của mình.

song huong 7

Ảnh: @yunatyty

Tham quan chùa Thiên Mụ bên sông

Nói đến Huế, ngoài dòng sông Hương thơ mộng, núi Ngự hùng vĩ và cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ cũng là một điểm đến không nên bỏ lỡ. Ngôi chùa nguy nga tráng lệ này nằm yên bình bên dòng sông Hương hiền hòa. Bạn có thể đến đây bằng thuyền, xe máy hoặc taxi tùy thích. Không chỉ có kiến trúc độc đáo, chùa Thiên Mụ còn là chốn linh thiêng bậc nhất ở Huế. Nơi đây được rất nhiều du khách tìm đến mỗi khi đặt chân đến thành phố mộng mơ.

song huong 9

Ảnh: @shashipham

Tham quan bến Phú Văn Lầu

Phú Văn Lầu nằm sát bên sông. Đây là một công trình kiến trúc tuy không quá to lớn. Tuy nhiên, nó lại chính là một trong những tác phẩm đặc sắc trong quần thể kiến trúc Cố Đô mà bạn không nên bỏ lỡ. Phú Văn Lầu nguy nga, tráng lệ hệt như một tòa lâu đài. Nơi đây có màu sắc rất nổi bật và lối kiến trúc độc đáo. Đây sẽ là background độc đáo để bạn lưu giữ những bức hình tuyệt đẹp đó.

song huong 10

Ảnh: @banhphan99

Tham quan Núi Ngự

Có sông Hương thì phải có núi Ngự. Ngọn núi này tọa lạc ở phường An Cựu, nằm cách sông khoảng 3km. Từ núi Ngự hùng vĩ, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Huế hiền hòa cùng dòng sông thơ mộng ngay dưới chân mình.

song huong 11

Ảnh: @keibynguyen

Đi dạo chợ Đông Ba

Ở ngay dưới chân cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba đã có thâm niên hơn 100 năm tuổi. Khu chợ vô cùng sầm uất và nổi tiếng. Chợ Đông Ba đông đúc và nhộn nhịp. Bước chân vào chợ, bạn sẽ thấy cảnh các tiểu thương mua bán, trò chuyện bằng chất giọng Huế ngọt ngào và đằm thắm. Người dân ở đây khá thân thiện và nhiệt tình. Đây cũng là một điểm cộng khiến du khách thêm yêu mảnh đất này.

song huong 12

Ảnh: @nganpiie

Đi thuyền Rồng nghe ca Huế trên sông

Đi thuyền Rồng nghe ca Huế trên sông Hương là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời và thú vị. Có lẽ tất cả du khách trong và ngoài nước đều yêu thích hoạt động này. Bạn sẽ vừa được lênh đênh trên sông, vừa ngắm nhìn các địa danh nổi tiếng xứ Huế. Thêm vào đó, hãy thưởng thức những làn điệu ca Huế ngọt ngào, mượt mà và sâu lắng. Đó hẳn sẽ là kỷ niệm khó quên mà chỉ Huế mới có thể mang đến cho bạn đấy.

song huong 6

Ảnh: @machoangylinh

5. Một số lưu ý khi đi du lịch Sông Hương bạn nên biết

  • Khi đi du lịch sông Hương, cần chú ý điều gì nhỉ? Đầu tiên, con sông này là một điểm đến du lịch tự do ở Huế, không có vé tham quan. Bạn có thể đến đây vào bất cứ thời điểm nào bạn muốn. Để trải nghiệm hết những điều thú vị ở đây, bạn nên dành thời gian từ 3 – 4 tiếng.
  • Nghe ca Huế trên sông là một hoạt động thú vị mà bạn nên thử khi đến Huế. Vé dịch vụ nghe ca Huế trên sông hiện nay rơi vào khoảng 100.000đ/khách Việt Nam và 150.000đ/khách nước ngoài. Có 2 chuyến để bạn lựa chọn là chuyến từ 19h – 20h và chuyến từ 20h – 21h. 

Vẻ đẹp mà dòng sông Hương thơ mộng mang đến chắc chắn sẽ khiến chuyến du lịch của bạn trở nên đầy thú vị và ngọt ngào hơn. Hãy đến khám phá điểm đến hấp dẫn này và chia sẻ cảm nhận cùng Halo bằng cách để lại comment dưới bài viết nhé!

Khám phá thêm những địa danh nổi tiếng tại Huế:

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Khám phá Lăng Khải Định - đỉnh cao nghệ thuật của cung đình Huế

Lăng Khải Định Huế là một công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất trong các công trình lăng tẩm qua các đời vua triều Nguyễn. Lăng được thiết kế công phu, lộng lẫy và vô cùng tinh xảo trong sự giao thoa kiến trúc Đông – Tây. Không chỉ là di tích lịch sử nổi bật của cố đô, Lăng Khải Định còn là điểm đến lý tưởng cho các bạn trẻ yêu thích sống ảo.

1. Đôi nét về Lăng Khải Định

  • Địa chỉ: Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế

Lăng Khải Định hay Ứng Lăng là nơi an nghỉ của vua Khải Định – vị vua thứ 12 của triều nhà Nguyễn. Lăng tọa lạc trên núi Châu Chữ, thuộc địa phận xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khảm sành sứ là loại hình trang trí được ứng dụng nhiều trong kiến trúc cung đình Huế như: điện Thái Hòa, điện Kiến Trung, Thái Bình lâu… Hơn tất cả, Lăng vua Khải Định là công trình kiến trúc độc đáo đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ ở Huế.

phia tren san bai dinh

Ảnh: @chuymxanh

Vua Khải Định sau khi lên ngôi vua đã rất chú trọng đến việc xây dựng cung điện, lăng tẩm, dinh thự cho bản thân và giới hoàng tộc. So với các lăng tẩm của vị vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích khiêm tốn hơn rất nhiều (117m x 48,5m). Dù vậy, đây lại là công trình được xây dựng vô cùng công phu và tốn nhiều công sức, tiền của nhất.

Không giống như lăng tẩm của các nhà vua Nguyễn đời trước được xây dựng theo phong cách và kỹ thuật truyền thống. Kiến trúc Lăng Khải Định ở Huế được xây dựng theo lối tân thời bằng vật liệu xi măng, sắt, thép… Chính vua đã cử người sang Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản để mua đồ sứ, thủy tinh để thiết kế công trình.

tong the lang khai dinh

Ảnh: @dimotngaydang

Lăng được xây dựng trong 11 năm và kéo dài qua hai đời vua nhà Nguyễn là Khải Định và con là Bảo Đại mới được hoàn thành. Đây là kết quả của sự hội nhập, giao thoa nhiều dòng kiến trúc Á, Âu, Việt Nam trong một công trình. Nó vừa mang nét cổ điển lại không kém phần hiện đại.

2. Hướng dẫn cách đi đến Lăng Khải Định

Lăng Khải Định nằm ở bên ngoài kinh thành Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía tây nam. Với khoảng cách như vậy, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn ô tô, taxi, xe máy… để di chuyển đến đây.

  • Xe máy, ô tô: đường đến lăng Khải Định rất đơn giản, bạn chỉ cần chạy xe theo hướng quốc lộ 49 là sẽ thấy bảng chỉ dẫn vào lăng. Từ đây bạn đi theo hướng dẫn.
  • Xe bus: bạn đón tuyến xe ở phía Nam chợ Đông Ba – chợ Tuần và ngược lại. Tuyến buýt này có điểm dừng tại lăng Khải Định.

Nhận hướng dẫn chỉ đường tại đây

nghi mon

Ảnh: @tranthanhbich

3. Giá vé tham quan lăng

Vì lăng Khải Định thuộc di tích lịch sử văn hóa của quần thể di tích cố đô Huế nên để vào đây, bạn cần mua vé tham quan. Giá vé tham quan lăng Khải Định bằng với các khu di tích khác, cụ thể như sau:

  • Giá vé người lớn: 150.000 VNĐ/ lượt
  • Giá vé trẻ em: 30.000 VNĐ/ lượt

nghi mon o lang khai dinh

Ảnh: @dimotngaydang

4. Nên tham quan lăng vào thời gian nào?

Huế thường có thời gian mưa bão vào những dịp cuối năm, mùa hè thời tiết khá nóng. Do đó, thời điểm thích hợp nhất để tham quan lăng cũng như du lịch Huế là vào tháng 1, tháng 2. Lúc này thời tiết Huế khá dễ chịu, rất thích hợp để bạn di chuyển cũng như tham quan, ngắm cảnh.

Đặc biệt, nếu đi vào những ngày Lễ tết trong năm, bạn sẽ có cơ hội tham quan lăng Khải Định miễn phí. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn hãy chú ý theo dõi tin tức về các di tích lịch sử này nhé. Với diện tích không quá rộng, chỉ mất từ một đến hai tiếng là bạn đã có thể khám phá mọi nơi trong lăng.

mot goc lang khai dinh

Ảnh: @nguyenanhquoc93

5. Khám phá lăng Khải Định

Lăng Khải Định là sự hết hợp hài hòa của nhiều trường phái kiến trúc khác nhau. Tổng thể lăng là một khối nổi hình chữ nhật vươn cao với 127 bậc thang. Bao quanh lăng là núi đồi xanh tươi và các khe suối. Đây là các yếu tố phong thủy tiền án, hậu chẩm, tả thanh long, hữu bạch hổ, minh đường, thủy tụ, tạo nên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Cổng Tam Quan

Từ dưới mặt đất, bạn phải vượt qua 37 bậc thang mới đến được Cổng Tam Quan. Cổng Tam Quan nằm ở tầng thứ nhất của lăng, gồm có 2 công trình chính là Tả Tòng Tư và Hữu Tòng Tự. Đây là nơi để thờ bài vị các vị công thần có công với đất nước.

cong tam mon

Ảnh: @lianhngoc

Công trình có sự tham gia của rất nhiều nghệ nhân và thợ nghề giỏi trong cả nước. Kiến trúc cổng Tam Quan là sự pha trộn độc đáo giữa hét hiện đại của Châu Âu và nét cổ điển của Việt Nam.

Nghi Môn và sân Bái Đính

Đi tiếp 29 bậc thang ở lăng Khải Định bạn sẽ đến Nghi Môn và sân Bái Đính. Bước vào khuôn viên lăng bạn sẽ thấy hai hàng tượng binh lính và cận thần tái hiện một buổi chầu của triều Nguyễn. Các bức tượng này đều được tạc đúng theo tỉ lệ 1:1.

san bai dinh

Ảnh: @02.thag2

Nằm ở giữa cuối sân Bái Đính là Bi Đình hình bát giác. Trong Bi Đình có tấm bia đá cao 3.1m khắc công đức của vua Khải Định do vua Bảo Đại viết. Hai bên Bi Đình là hai trụ tượng trưng cho hai ngọn nến sáng soi lối linh hồn vua về thế giới bên kia.

Cung Thiên Định

Cung Thiên Định nằm ở vị trí cao nhất và là nơi chôn cất thi hài của vua Khải Định. Đây là nơi có thiết kế đặc sắc nhất và mang giá trị nghệ thuật cao. Cung có hình chữ nhật, nền dưới lót bằng đá cẩm thạch. Toàn bộ nội thất bên trong đều được đầu tư trang trí bằng những bức phù điêu ghép từ sành sứ thủy tinh và vô cùng tinh xảo, đẹp mắt. Nó đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành xứ Huế.

cung thien dinh

Ảnh: sưu tầm

Công trình này gồm 5 phần liền nhau: hai bên là Tả, Hữu Trực phòng dành cho lính hộ lăng, phía trước là điện khải thành, chính giữa là Bửu Tán, tượng nhà vua và mộ phần ở phía dưới. Ba gian giữa sẽ khiến bạn phải choáng ngợp với sự tráng lệ, tinh tế của phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh màu.

Điện Khải Thành

Điện Khải Thành là nơi đặt án thờ vua Khải Định và được đúc bằng bê tông. Thi hài của vua Khải Định nằm ở ngay dưới bệ thờ này. Bên được treo một bức hàng đề tên “Khải Thành Điện”.

Đặc biệt, chiếc Bửu tán trên pho tượng đồng tuy nặng 1 tấn nhưng trông rất mềm mại, nhẹ nhàng mà thanh thoát. Bên dưới Bửu tán là pho tượng nhà vua Khải Định, được đúc vào năm 1922 tại Pháp theo yêu cầu nhà vua. Trên trần 3 gian giữa cung là bức là bức “Cửu Long Ẩn Vân” có nghĩa là chín con rồng ẩn trong mây. Nghệ nhân Phan Văn Tánh là người chịu trách nhiệm chính cho kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng.

loi vao lang

Ảnh: @by.mochiii

Tượng vua Khải Định trong lăng

Trong lăng Khải Định có hai bức tượng vua gồm một bức tượng vua ngồi trên ngai vàng và một bức tượng được đúc tại Pháp. Khải Định là vị vua Việt Nam đầu tiên đặt người Pháp làm cho mình một bức tượng chân dung. Tượng vua bằng đồng mạ vàng được đúc năm 1992 theo đúng tỉ lệ 1:1.

tuong vua khai dinh

Ảnh: sưu tầm

Tượng vua ở tư thế đứng. Tay phải vua thả lỏng hơi đưa về phía trước, tay trái có đeo nhẫn mặt hoa nổi cao và nắm kiếm ở trong bao. Trong bức tượng này, nhà vua đầu đội mũ khăn xếp truyền thống, bên trong mặc áo hoàng bào, áo khoác ngoài kiểu Tây thêu rồng, mây và sóng.

Bức tượng đồng trong lăng Khải Định là một hiện vật quý báu về các vua nhà Nguyễn. Qua đây, chúng ta có thể hình dung sống động về diện mạo của vị vua này lúc sinh thời.

Trên đây là những thông tin hữu ích nhất về Lăng Khải Định mà Halo Travel muốn chia sẻ đến bạn. Đến với nơi đây, bạn sẽ được tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc độc đáo trong lăng. Lăng Khải Định xứng đáng là một điểm đến bậc nhất xứ Huế mà bất cứ ai cũng phải ghé thăm ít nhất 1 lần trong đời.

Xem thêm những lăng tẩm nổi tiếng khác ở Huế:

Lăng Minh Mạng: một trong những điểm đến được yêu thích nhất ở Huế

Khám phá lăng Minh Mạng – khu lăng tẩm nổi tiếng tại Huế

Huế là nơi được nhiều người biết đến bởi nơi đây có những lăng tẩm rất độc đáo. Mỗi lăng đều mang một màu sắc vẻ đẹp rất riêng và khắc họa rõ nét về lịch sử dân tộc Việt Nam. Đến với Huế bạn sẽ được khám phá rất nhiều lăng tẩm như lăng Tự Đức, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng,… Hôm nay hãy cùng Halo Travel tìm hiểu về lăng Minh Mạng nhé!

1. Lăng Minh Mạng ở đâu? 

Lăng Minh Mạng còn có tên khác là Hiếu Lăng, nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 14km trên Quốc Lộ 49, Hương Thọ, TP. Huế. Có thể nói đây là một vị trí vô cùng đắc địa, phải mất đến 14 năm mới được nhà vua tìm ra. Lăng nằm bên trên núi Cẩm Khê, là nơi giao nhau của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương.

lang minh mang datsnapper

Ảnh: @datsnapper

Từ trung tâm thành phố Huế, bạn có thể sử dụng rất nhiều phương tiện để di chuyển đến địa điểm này. Nếu muốn trải nghiệm theo một cách mới, từ dòng sông Hương bạn có thể đi theo hướng hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch. Cách nhanh hơn, bạn chỉ cần lựa chọn phương tiện là taxi hoặc xe máy chạy thẳng theo đường QL49, đi dọc sông Hương đến cầu Tuần là đã đến lăng Minh Mạng.

2. Lịch sử hình thành Lăng vua Minh Mạng ở Huế

Minh Mạng chính là người con trai thứ tư của vua Gia Long. Ông là vị vua có công vô cùng lớn trong công cuộc cải cách đất nước.

lang minh mang tranthanhbich

Ảnh: @tranthanhbich

Trải qua 14 năm tìm kiếm, núi Cẩm Khê được ông lựa chọn làm vị trí đắc địa để xây dựng một Sơn lăng cho mình. Lăng bắt đầu được xây dựng vào tháng 4 năm 1840. Vua đã điều các quan thần xuống đào hồ để xây dựng lăng. Nhưng thật không may mắn là khi chưa tiếp tục xây dựng được La Thành thì vua đã lâm bệnh và băng hà. Sau đó 1 tháng, vua Thiệu Trị lên ngôi và tiếp tục tiến hành việc đào hố, xây lăng. Đến năm 1841, hài cốt của vua Minh Mạng đã được chôn cất trong Bửu Thành. Nhưng mãi cho đến năm 1843 lăng mới hoàn thiện. Và từ đó lăng được đặt tên là lăng Minh Mạng cho đến bây giờ.

3. Giá vé tham quan 

Cũng như nhiều địa điểm tham quan khác, khi đến lăng Minh Mạng bạn sẽ cần mua vé vào cửa. Theo giá vé được cập nhật mới nhất thì giá vé tham quan lăng Minh Mạng có giá là 150k/ người lớn. Đối với trẻ em và người lớn tuổi sẽ được giảm 50% chi phí. Bạn có thể tham khảo bảng giá vé tham quan các di tích ở Huế được cập nhật đầy đủ dưới đây (nhấn vào từng link để đọc chi tiết):

  • Nhóm 1: Di tích Đại Nội (Hoàng Cung Huế): 200K/ người
  • Nhóm 2: Các lăng vua Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng: 150k/ người
  • Nhóm 3: Các lăng vua Thiệu Trị, Gia Long, Đồng Khánh: 50k/ người
  • Nhóm 4: Điện Hòn Chén, Cung An Định, Đàn Nam Giao: 30k/ người

Để mua vé tham quan bạn chỉ cần đến trước cổng để mua vé. Lăng mở cửa đón khách vào tất cả các thứ trong tuần, kể cả chủ nhật từ 7h đến 17h30.

4. Những điều hấp dẫn về kiến trúc của lăng

Lăng vua Minh Mạng là một trong những lăng tẩm uy nghi nhất trong những kiến trúc thời nhà Nguyễn. Toàn bộ công trình kiến trúc của ông của cũng được xây dựng dựa trên những tư tưởng Nho học là chính. Khuôn viên La Thành có diện tích lên đến 1.750m được sắp xếp tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp mắt.

Khi nhìn từ trên cao, bạn sẽ thấy lăng tựa như một dáng người đang nằm nghỉ ngơi. Đầu hướng về phía núi Kim Phụng, hai bên hông là hai bên hồ Trừng Minh, chân đặt lên ngã ba sông một cách thoải mái.

lang minh mang nguyenhue245

Ảnh: @nguyenhue245

Lăng được bao bọc bởi một màu xanh của cây cối. Tất cả tạo nên một không gian yên ả, tĩnh lặng của sông hồ và sự vững chãi của núi non. Vẻ đẹp như một bức tranh hữu tình khiến nhiều người phải trầm trồ, thán phục. Bên trong lăng có rất nhiều công trình kiến trúc được sắp xếp đối xứng, song song theo ba trục. Điều đặc biệt là ở giữa khuôn viên có một đầm sen lúc nào cũng tỏa hương thơm ngát.

Khám phá những ngôi chùa Huế nổi tiếng

5. Địa điểm khám phá khi đến Lăng Minh Mạng 

Lăng Minh Mạng tuy không nguy nga, tráng lệ như những lăng tẩm khác nhưng có quy mô tổng thể khá lớn gồm 40 công trình bên trong. Vì lăng khá rộng nên trong vòng một ngày bạn sẽ khó có thể khám phá hết được. Vì thế Halo Travel sẽ giới thiệu cho bạn những địa điểm hấp dẫn không nên bỏ qua khi đến đây.

lang minh mang _h.trangg_makeup

Ảnh: @_h.trangg_makeup

Đại Hồng Môn

Đại Hồng Môn được xem là cổng chính của lăng. Cổng bao gồm 3 lối đi và được trang trí khá đẹp. Xưa kia cổng chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào. Thông thường nếu muốn đi lại phải đi bằng 2 lối ở hai bên. Hai cổng nhỏ ở hai bên được gọi là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Bất kể ai khi vào khám phá lăng cũng sẽ đều đi qua cổng này.

Bi Đình

Từ cổng chính đi vào bạn sẽ đi qua Bái Đình với những tượng quan văn võ xếp đối xứng nhau. Tiếp đó bạn sẽ thấy Bi Đình với tấm bia đá ghi lại những chiến công của vua Minh Mạng. Bi Đình là một khoảng sân rộng nằm ngay sau Đại Hồng Môn. Hai bên Bi Đình có hai hàng quan đứng hai bên rất trang nghiêm. Ở bên trong còn có bia “Thánh Đức Thần Công” được vua Thiệu Trị viết từ thời xưa. Trên bia viết về lịch sử và những công đức mà cha của mình là vua Minh Mạng đã cống hiến cho đất nước.

Khu vực tẩm điện

Bước vào bên trong lăng bạn sẽ thấy khu tẩm điện với công trình Hiển Đức Môn. Công trình mang ý nghĩa tượng trưng cho thần đất được xây dựng trên một mảnh đất hình vuông. Đây là nơi có Điện Sùng Ân, được đặt bài vị của nhà vua Minh Mạng và hoàng hậu. Khu tẩm điện mang một vẻ uy nghiêm khó tả và không kém phần trang trọng của thời xưa.

Minh Lâu

Đi qua ba chiếc cầu bắc qua hồ Trừng Minh bạn sẽ đến với Minh Lâu. Minh Lâu là một tòa nhà có thiết kế hình vuông nằm trên đồi Tam Đài Sơn. Đây chính là nơi nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng của nhà vua sau khi bãi triều. Nơi đây có thiên nhiên rất trong lành, giúp vua có thể thả hồn vào đất trời tự nhiên. Thiết kế của Minh Lâu có chút gì đó mang đậm chất Phương Đông vừa cổ kính nhưng không kém phần tươi sáng, thơ mộng.

Bửu Thành

Một trong những điểm đến bạn không thể bỏ qua khi ghé thăm lăng Minh Mạng là hồ Bửu Thành nằm giữa hồ Tân Nguyệt. Đi qua cầu Thông Minh Trực bạn sẽ thấy nơi yên nghỉ của nhà vua nằm giữa đồi mang tên Khai Trạch Sơn. Mỗi năm người ta chỉ mở cửa một lần vào dịp tết để sửa sang lại nên không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội ghé thăm địa điểm này.

6. Kinh nghiệm tham quan Lăng Minh Mạng

Dưới đây là một số kinh nghiệm tham quan lăng Minh Mạng bạn cần lưu ý để có một chuyến đi trọn vẹn nhất:

lang minh mang hyhan.22

Ảnh: @hyhan.22

  • Ở Huế nếu đi vào mùa hè thời tiết sẽ rất oi bức, vào những tháng cuối năm thường có mưa nhiều. Vì thế thời tiết dễ chịu nhất để đến Huế và tham quan lăng Minh Mạng là tháng 1, tháng 2.
  • Để tham quan hết các di tích trong lăng bạn sẽ phải đi bộ rất nhiều và mất thời gian. Bạn nên chuẩn bị cho mình trang phục thoải mái, giày dép dễ đi và nước uống để không bị mệt.
  • Lăng là khu di tích lịch sử linh thiêng và trang trọng. Vì thế bạn không được tùy tiện dẫm đạp hay sờ lên những đồ vật xung quanh khi chưa được sự cho phép.
  • Đi nhẹ nói khẽ và không làm ồn trong lăng.
  • Tuyệt đối không vứt rác bừa bãi làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích.

Trên đây là những thông tin và kinh nghiệm khám phá lăng Minh Mạng được Halo Travel tổng kết. Hy vọng rằng với những thông tin trên bạn sẽ có một chuyến đi ý nghĩa và nhiều trải nghiệm bên gia đình, bạn bè. Hãy chia sẻ những chuyến đi của bạn cùng Halo Travel nhé!

Có thể bạn quan tâm:

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Khám phá chùa Huyền Không Sơn Trung, tuyệt tác giao thoa kiến trúc Nhật - Ấn ở Huế

Chùa Huyền Không Sơn Trung là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Huế, thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái mỗi năm. Trong chuyến khám phá Cố đô Huế sắp tới, bạn nhất định không thể bỏ qua ngôi chùa có kiến trúc độc đáo này.

1. Đôi nét chùa về chùa Huyền Không Sơn Trung

Chùa Huyền Không Sơn Trung ở đâu?

Chùa Huyền Không Sơn Trung nằm ở thôn Nham Biền, xã Hương Hồ ngoại vi thành phố Huế. Nằm cách chùa Thiên Mụ khoảng 3km về phía Tây.

Chùa Huyền Không hay chùa Huyền Không Sơn Trung là một ngôi chùa thuộc Hệ phái Phật giáo Nam Tông (Kinh). Đến với nơi đây, bạn sẽ phải ấn tượng với lối kiến trúc độc đáo cùng khung cảnh chùa đẹp tựa như chốn bồng lai tiên cảnh.

song ao voi thap

Ảnh: @_nho_99

Lịch sử của chùa Huyền Không Sơn Trung

Theo lời kể của người cao tuổi trong làng, ban đầu chùa Huyền Không Sơn Trung chỉ là một ngôi chùa nhỏ được dựng lên bằng tre nứa vào năm 1973. Chùa tọa lạc ở phía Bắc đèo Hải Vân, nằm ở Lăng Cô, huyện Phú Lộc xưa.

Đến năm 1978, chùa được nhà sư Giới Đức chuyển về vị trí hiện nay. Phần cửa chùa hướng về phía Đông Nam. Năm 1993, phần Chính Điện chùa được xây dựng lại với quy mô lớn hơn và được hoàn thành vào năm 1995.

chua tu phia xa

Ảnh: @henry.huynguyen

Chùa Huyền Không Sơn Trung được xây dựng giữa một khuôn viên rộng gần 6000m2 bao quanh ngập tràn cây xanh mát. Khác với những ngôi chùa ở Việt Nam, chùa Huyền Không được xây dựng từ các vật liệu bê tông, cốt thép rất hiện đại. Khung cảnh chùa yên bình, tĩnh tại mà uy nghi, trang trọng.

Cùng với rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác của Huế, chùa Huyền Không đã và đang trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn mọi du khách. Ngôi chùa hiện đại, mang phong cách kiến trúc độc đáo mới lạ mà vẫn toát lên vẻ tôn nghiêm, uy nghi nơi cửa Phật.

3. Chùa Huyền Không Sơn Trung có gì đẹp?

Vẻ đẹp giao thoa kiến trúc Nhật – Ấn

Chùa Huyền Không sơn Trung vừa mang nét đẹp của nền văn hóa Phật giáo Nhật – Ấn vừa mang hơi thở của xứ Huế, đất Việt. Để vào chùa, bạn sẽ đi qua cây cầu bắc qua dòng sông Bạch Yến, rẽ trái 100m nữa là đến chùa. Cổng chùa cao lớn với 9 lớp mái, nổi bật là dòng chữ được đắp nổi “CHÙA HUYỀN KHÔNG”.

tham quan chua

Ảnh: @luffosten

  • Kiến trúc Ấn Độ

Bảo tháp Đại Giác là công trình đặc biệt và nổi bật nhất của chùa Huyền Không Sơn Trung. Bảo tháp này được xây dựng mô phỏng theo nguyên mẫu là ngôi đại tháp Mahā Bodhi Gāya ở Ấn Độ. Tuy nhiên, kích thước của nó nhỏ hơn so với nguyên mẫu để hòa hợp với các công trình khác xung quanh.

Bảo tháp có 1 tầng nền làm đế, bên trên là quần thể tháp 5 ngôi gồm 1 tháp chính và 4 tháp phụ. Tòa tháp chính có chiều cao 37 m có không gian bên trong khá rộng và được bố trí thành 6 tầng. Tòa tháp phụ có chiều cao khoảng 24m. Các đỉnh tháp đều có màu vàng, thân tháp màu trắng được chạm trổ nhiều hoa văn của xứ Ấn.

  • Kiến trúc Nhật Bản

Để tạo nên sự giao thoa tuyệt vời này phải kể đến các nét kiến trúc trong các công trình chùa chiền mang đậm phong cách Nhật Bản. Điều này thể hiện rõ nhất ở kiểu mái Lương Đình ngói đỏ, các cột gỗ bóng loáng được trang trí bởi những chiếc lồng đèn lục giác. Đây là đặc trưng trong kiến trúc của xứ xở Phù Tang. Chỉ cần một cơn gió nhẹ lướt qua, những chiếc đèn lồng sẽ khẽ lay động khiến bản thân cảm nên thư thái, bình an.

check in chua

Ảnh: @_h.diarygram

  • Kiến trúc Việt

Nếu để ý, bạn sẽ thấy sự tinh tế và tỉ mỉ của các chi tiết chạm trổ điêu khắc qua thành kèo cột, xuyên xà. Những bức phù điêu có gam màu trắng và xanh lam làm tôn lên sự uy nghiêm của tứ linh long, lân, quy, phượng. Đây chính là nét dấu ấn văn hóa tiêu biểu của cung đình Huế.

Góc tĩnh tại trong lòng xứ Huế

Chùa được xây dựng hòa hợp với thiên nhiên xứ Huế, bạn sẽ cảm nhận được sự tĩnh tại, yên bình khi đến đây. Bên trong chùa được trang trí với 500 giỏ phong lan quý luôn khoe sắc rực rỡ qua bàn tay chăm sóc cẩn thận tỉ mỉ của các sư thầy. Tại đây còn có rất nhiều tiểu cảnh sân vườn khác kết hợp hài hòa với nhau khiến ta có cảm giác như đi dạo giữa rừng sinh thái vậy.

mot goc tinh tai

Ảnh: @blue.nomad

Khu vực triền núi nằm dọc theo con đường dẫn vào chùa, bạn sẽ bắt gặp những tấm đá khắc chữ thư pháp điêu luyện thẫm đẫm sinh quan và đạo lý làm người. Bất cứ ai đến đây cũng phải dừng lại và suy ngẫm về Đạo và Đời.

Halo gợi ý cho bạn một số địa điểm yên tĩnh, thanh bình khác tại Huế

Điểm sống ảo lý tưởng với nhiều background đẹp

Không chỉ thu hút các tín đồ Phật giáo, chùa Huyền Không Sơn Trung còn hấp dẫn nhiều du khách thích chụp ảnh ghé thăm. Họ bị ấn tượng bởi nhiều công trình độc đáo, cảnh quan tuyệt đẹp của chùa và dòng sông Bạch Yến thơ mộng xứ Huế.

Ảnh: @tuongvy

Bảo Tháp Đại Giác ở khuôn viên chùa mang vẻ đẹp độc đáo là biểu tượng nổi bật của chùa. Đây là điểm check in không thể bỏ qua đối với bất cứ tín đồ du lịch nào khi đến với chùa Huyền Không Sơn Trung

3. Các địa điểm tham quan gần chùa

Điểm đếnKhoảng cách
Chùa Thiên Mụ2.4 km
Đại Nội Huế6.4 km
Cầu Tràng Tiền8.5 km
Núi Ngự Bình10.4 km
Đồi Vọng Cảnh11.2 km

4. Lưu ý khi đi chùa Huyền Không Sơn Trung

  • Cũng giống như các điểm du lịch tâm linh khác, bạn nên lựa chọn trang phục kín đáo, lịch sự khi vào chùa.
  • Cần giữ yên lặng, đi nhẹ nói khẽ để không ảnh hưởng đến trang nghiêm và thanh tịnh của chùa.

Trên đây là những thông tin hữu ích về chùa Huyền Không Sơn Trung mà HaloTravel muốn chia sẻ đến bạn. Với sự độc đáo trong kiến trúc cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nơi đây hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho chuyến tham quan Huế của bạn.

Xem thêm những ngôi chùa đẹp khác tại Huế

Về thăm Điện Hòn Chén lắng nghe những giai thoại kì bí

Du lịch Huế có rất nhiều địa điểm tôn giáo tâm linh với quần thể kiến trúc độc đáo. Một trong số đó là Điện Hòn Chén nổi tiếng linh thiêng. Mỗi năm có hàng nghìn du khách ghé qua để thăm quan và cầu bình an, tiền tài, sức khỏe. Hãy cùng theo chân HaloTravel khám phá một vòng vẻ đẹp kiến trúc và ý nghĩa văn hóa – tâm linh của Điện Hòn Chén dưới đây nhé!

1. Một vài nét độc đáo về Điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Đây là địa danh nổi tiếng để khám phá văn hóa, tâm linh và cầu bình an, tiền tài được khách du lịch rất tin tưởng. Điện Hòn Chén cũng là nơi được xem là di tích có nhiều giai thoại bí ẩn nhất xứ Huế.

Thêm một điều đặc biệt khi nhắc đến Điện Hòn Chén là các nghi thức lễ hội. Đây là thể hiện tín ngưỡng đời sống tâm linh, thờ cúng của người dân địa phương. Chốn linh thiêng này là nơi duy nhất có sự kết hợp của tín ngưỡng dân gian và nghi thức cung đình, giữa văn hóa tâm linh và lễ hội.

Kiến trúc độc đáo ở điện Hòn Chén cũng vô cùng hấp dẫn cho du khách và giới nghiên cứu lịch sử. Toàn bộ kiến trúc là nghệ thuật trang trí mỹ thuật bậc nhất vào cuối thế kỉ XIX.

dien hon chen 1

Ảnh: @callme.bi

2. Hướng dẫn đường đi 

Khu di tích Điện Hòn Chén cách trung tâm thành phố khoảng 8km về hướng Tây Nam. Nhìn từ xa bạn có thể thấy ngôi đền nằm lấp ló giữa rừng núi ở đỉnh Ngọc Trản, in bóng xuống dòng sông Hương hiền hòa.

Xuất phát từ trung tâm thành phố Huế, bạn hãy di chuyển theo hướng đường Bùi Thị Xuân, rẽ sang đường Huyền Trân Công Chúa. Sau đó, bạn đi đến bến Than rồi tiếp tục đi đò ở Sông Hương để đến chân núi, sau đó tiếp tục tản bộ đến điện Hòn Chén.

dien hon chen 2

Ảnh: @mynguyen2610

3. Lịch sử độc đáo của Điện 

Điện Hòn Chén được xây dựng từ thời vua Gia Long, chủ yếu thờ Đạo giáo. Dưới thời vua Nguyễn, Điện Hòn Chén được gọi là Ngọc Trản Sơn Từ (điện thờ tại núi Ngọc Trản). Đến năm 1832, điện từng được tu sửa, sau đó được đổi tên là Huệ Nam với ý nghĩa là “mang lại ân huệ cho người nước Nam” dưới thời Đồng Khánh. Ngày nay, trong điện vẫn còn lưu giữ khoảng 664 đồ tế thuộc 284 chủng loại có giá trị lịch sử quý giá dưới thời kì này.

Điện Hòn Chén có tổng cộng 10 công trình kiến trúc được xây dựng trên núi Ngọc Trản. Trong đó lớn nhất là điện Minh Kính Đài. Trước kia, đây là nơi thờ nữ thần Po Nagar (Nữ Thần Mẹ xứ sở) của người Chăm. Nữ thần được mệnh danh là người có công lao xuống dạy con người tạo nên lúa gạo, trồng các loại cây gỗ trầm quý. Vì thế trong điện có rất nhiều đồ thờ được làm từ gỗ hương mộc và kỳ nam là sự tượng trưng cho nữ thần hiển linh. Bạn có thể khám phá được nét tín ngưỡng độc đáo pha trộn của văn hóa dân tộc Chăm với bản sắc tinh thần của người Việt.

dien 3

Ảnh: @agrilwhotravel

4. Kiến trúc của Điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén chia làm 10 công trình kiến trúc khác nhau. Trong đó nổi bật nhất là Minh Kính Đài. Khu vực này nằm ngay chính giữa, bên trái có dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, am và ông Hổ. Bên phải có chùa Thánh, trinh cát viện, nhà quan cư. Minh Kính Đài là nơi diễn ra các hoạt động tế lễ, hành hương nhiều nhất được tổ chức vào khoảng tháng 3 và tháng 7 âm lịch.

Minh Kính Đài được chia làm 3 cung theo thứ tự từ cao đến thấp gồm có Đệ Nhất cung, đệ nhị cung và đệ tam cung. Trong đó lần lượt là khu thờ, khu để đồ cúng bái và khu để dâng hương. Kiến trúc của Minh Kính Đài cũng rất đặc biệt với nghệ thuật khảm sành sứ đỉnh cao, trong đó đặc trưng là biểu tượng con phụng hội tụ về.

dien hon chen 4

Ảnh: @visithuevietnam

Khám phá những địa điểm tương tự Điện Hòn Chén:

5. Những giai thoại gắn liền với điện Hòn Chén  

5.1. Câu chuyện giai thoại về nữ thần Ponagar

Trước kia đây là nơi thờ tự nữ thần Ponagar của người Chăm. Tương truyền, nữ thần là con của Ngọc Hoàng được phái xuống để tạo ra đất mẹ, dạy con người trồng cây cối, hoa màu. Người ta cho rằng nữ thần này tương đồng với nữ thần của người Việt về mặt tâm linh. Người dân tiếp nhận sau xưng danh thờ cúng bà Thánh Mẫu Thiên Y A Na.

Về sau, Liễu Hạnh Công Chúa được đưa vào thờ tự ở điện. Sau đó là Quan Công, thờ Phật và các vị thần linh khác. Ngày nay, nơi đây được coi là di tích tâm linh của người Chăm, được người Việt tiếp thu và phát huy tín ngưỡng tạo thành nơi thờ Thánh mẫu.

anh 5

Ảnh: @visithuevietnam

5.2. Câu chuyện gắn liền với vua Thiệu Trị

Người xưa tương truyền vua Thiệu Trị xây dựng làng ở gần điện Hòn Chén. Khi vua và các phi cung du ngoạn trên dòng sông Hương để đến thăm làng, một hoàng phi đã làm rơi chiếc ống nhỏ bằng vàng ở vực nước sâu. Tiếc của nên bà đã khuyên vua khấn Thiên A Na Thánh Mẫu xin cho tìm lại đồ vật. Ban đầu vua có vẻ mỉa mai không tin nhưng vẫn làm theo, bất ngờ chiếc ống nổi lên mặt nước.

Thấy linh thiêng, nhà vua liền ra lệnh sửa sang lại điện Hòn Chén nhưng chưa kịp hoàn thành di nguyện thì đã băng hà.

anh 6

Ảnh: @visithuevietnam

5.3. Câu chuyện chiếc chén ngọc của vua Minh Mạng

Đây là giai thoại huyền bí nhất làm nên Điện Hòn Chén. Chuyện kể rằng một lần đi trên dòng sông Hương, vua Minh Mạng đã làm rơi chiếc chén ngọc xuống lòng sông. Nhà vua đang không biết phải làm sao thì đột nhiên thấy con rùa ngậm chén ngọc lên trả lại vua.

anh 7

Ảnh: @visithuevietnam

6. Kinh nghiệm đi lễ hội điện Hòn Chén 

Lễ hội Điện Hòn Chén thường diễn ra vào thời điểm tháng 3 và tháng 7 âm lịch. Đây là thời gian lượng khách kéo về rất đông.

Lễ hội được chia làm 2 phần chính là lễ nghinh thần (rước các vị thần về đền) và lễ chánh tế. Lễ nghinh thần được tổ chức long trọng trên dòng sông Hương. Cụ thể nghi lễ rước nữ thần Thiên Y A Na từ Điện Hòn Chén về đình làng Hải Cát trên những con thuyền rồng kết đôi. Xung quanh thuyền trang trí cờ hoa đủ màu. Dẫn đầu là chiếc thuyền có long kiệu đặt hòm sắc (vật phẩm vua ban cho Thánh Mẫu) và được nghinh bởi các trinh nữ quần áo, cờ hoa sặc sỡ. Trên đường tế rước sẽ được nghe tiếng hát ngân nga của các cô đồng, phường bát, hát văn.

Lễ chánh tế diễn ra sau khi đã đón rước các vị thần và thánh mẫu về điện. Nghi lễ này được tổ chức với nhiều hoạt động như: nghinh Thánh Mẫu, tế làng Hải Cát, phóng sanh, thả đèn hoa đăng…. Tất cả các lễ nghi truyền thống đều mang đậm nét văn hóa dân gian bản địa được du khách rất yêu thích hưởng ứng.

anh 8

Ảnh: @visithuevietnam

Điện Hòn Chén Huế không chỉ là nơi có kiến trúc độc đáo mà còn là chốn linh thiêng cầu được ước thấy của rất nhiều người mê tín ngưỡng. Đến đây bạn sẽ được lắng nghe những giai thoại cổ, khám phá những nét độc đáo trong văn hóa, tôn giáo, con người cố đô. Chúc bạn có thêm nhiều kỉ niệm với mảnh đất hồn hậu này nhé!

Có thể bạn quan tâm:

Đến đồi Vọng Cảnh ôm trọn xứ Huế vào trong tầm mắt

Với không gian thanh bình, lãng mạn và êm đềm, đồi Vọng Cảnh của xứ Huế là một trong những địa điểm làm say đắm lòng bao...